MIỄN, GIẢM HỌC PHÍ

Câu 1.    Các căn cứ pháp lý quy định về miễn giảm học phí ?

Nghị định số 86/2015/NĐ-CP  (NĐ 86/2015) ngày 02/10/2015 của Chính phủ quy định cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập từ năm học 2015 – 2016 đến năm học 2020 – 2021.

Thông tư liên tịch số 09/2016/TTLT-BGDĐT-BTC-BLĐTBXH (TT 19/2016) ngày 30/03/2016 hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 86/2015/NĐ-CP ngày 02/10/2015 của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập từ năm học 2015 – 2016 đến năm học 2020 – 2021.

Câu 2.    HSSV thuộc đối tượng nào được xét miễn giảm học phí?

  1. Đối tượng HSSV được miễn 100% học phí
  • Đối tượng 1: HSSV là người có công với cách mạng và thân nhân của người có công với cách mạng theo Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng được hợp nhất tại văn bản số 01/VBHN-VPQH ngày 30/7/2012 của văn phòng Quốc hộ
  • Đối tượng 2: HSSV bị tàn tật, khuyết tật thuộc hộ nghèo hoặc hộ cận nghèo theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.
  • Đối tượng 3: HSSV trong độ tuổi từ 16 tuổi đến 22 tuổi thuộc một trong các trường hợp quy định tại Khoản 1 Điều 5 Nghị định số 136/2013/NĐ-CP ngày 21/10/2013 của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội.
  • Đối tượng 4: HSSV là người dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo hoặc hộ cận nghèo.
  • Đối tượng 5: HSSV là người dân tộc thiểu số rất ít người ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn hoặc đặc biệt khó khăn.
  • Đối tượng 6: Học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở đang học tiếp lên trình độ trung cấp.
  1. Đối tượng HSSV được giảm 70% học phí:
  • Đối tượng 7: HSSV là người dân tộc thiểu số (không phải là dân tộc thiểu số rất ít người) ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn.
  1. Đối tượng HSSV được giảm 50% học phí:
  • Đối tượng 8: HSSV là con cán bộ, công nhân, viên chức mà cha hoặc mẹ bị tai nạn lao động hoặc mắc bệnh nghề nghiệp được hưởng trợ cấp thường xuyên.

Câu 3.    Tại sao HSSV thuộc đối tượng miễn giảm học phí vẫn phải đóng học phí và nộp hồ sơ xét miễn giảm học phí vào đầu các học kỳ?

Nhà trường chỉ làm nhiệm vụ thu hộ hồ sơ làm căn cứ xin xét miễn, giảm học phí cho HSSV để được ngân sách nhà nước cấp bù (hoàn trả học phí). Vì vậy HSSV phải đóng học phí và nộp hồ sơ theo các học kỳ để được nhà nước hoàn trả học phí:

  • “Người thuộc diện miễn, giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập chỉ phải làm 01 bộ hồ sơ nộp lần đầu cho cả thời gian học tập. Riêng đối với người học thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo thì vào mỗi đầu học kỳ phải nộp bổ sung giấy chứng nhận hộ nghèo, hộ cận nghèo để làm căn cứ xem xét miễn, giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập cho học kỳ tiếp theo” (điều 5 khoản 1 TT 09/2016).
  • “Ngân sách nhà nước có trách nhiệm cấp bù trực tiếp học phí cho các cơ sở giáo dục công lập để thực hiện việc miễn, giảm học phí đối với người học thuộc các đối tượng miễn, giảm …” (điều 11 khoản 2 NĐ 86/2015).

Câu 4.    Hồ sơ xét miễn giảm học phí?

Mỗi đối tượng HSSV được miễn, giảm học phí cần có “biên lai đóng học phí”, đơn đề nghị và bổ sung hồ sơ riêng cho từng đối tượng như sau:

  • Đối tượng 1: Thẻ thương binh, bệnh binh hoặc giấy xác nhận thuộc đối tượng do cơ quan quản lý người có công với cách mạng hoặc Ủy ban nhân dân (UBND) cấp xã trở lên cấp.
  • Đối tượng 2: Giấy xác nhận khuyết tật do UBND cấp xã cấp hoặc Quyết định về việc trợ cấp xã hội của Chủ tịch UBND cấp huyện; giấy tờ chứng minh là hộ nghèo hoặc hộ cận nghèo do UBND cấp xã cấp hoặc xác nhận theo từng năm tài chính phù hợp với năm xin xét miễn/ giảm.
  • Đối tượng 3: Giấy xác nhận hoặc Quyết định về việc trợ cấp xã hội của Chủ tịch UBND cấp huyện.
  • Đối tượng 4: Giấy tờ chứng minh là hộ nghèo hoặc hộ cận nghèo do UBND cấp xã cấp hoặc xác nhận theo từng năm tài chính phù hợp với năm xin xét miễn/ giảm.
  • Đối tượng 5: Giấy tờ chứng minh là người dân tộc thiểu số rất ít người ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn hoặc đặc biệt khó khăn của UBND cấp xã trở lên

Chú ý: Người dân tộc thiểu số rất ít người bao gồm: La Hủ, La Ha, Pà Thẻn, Lự, Ngái, Chứt, Lô Lô, Mảng, Cống, Cờ Lao, Bố Y, Si La, Pu Péo, Rơ Măm, BRâu, Ơ Đu.

  • Đối tượng 6: Bằng tốt nghiệp trung học cơ sở hoặc giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời (có công chứng); giấy cam kết (theo mẫu);
  • Đối tượng 7: Giấy xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã trở lên

Chú ý:

+ “Người dân tộc thiểu số” không phải là “dân tộc thiểu số rất ít người” (theo quy định tại điểm k khoản 2 điều 4 TT 09/2016).

+  Để xác định “vùng có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn” và “đặc biệt khó khăn” xem hướng dẫn tại phụ lục I kèm theo TT 09/2016.

  • Đối tượng 8: Sổ hưởng trợ cấp hàng tháng của cha hoặc mẹ bị tai nạn lao động hoặc mắc bệnh nghề nghiệp do tổ chức bảo hiểm xã hội cấp.

Tất cả các đối tượng chỉ nộp hồ sơ 01 lần cho học kỳ đầu tiên của khóa học. Các học kỳ tiếp theo, HSSV nộp bổ sung hồ sơ:

Đối tượng 1, 3, 5, 6, 7, 8: biên lai đóng học phí của học kỳ tiếp theo.

Đối tượng 2, 4: biên lai đóng học phí, giấy tờ chứng minh là hộ nghèo hoặc hộ cận nghèo do Ủy ban nhân dân cấp xã cấp hoặc xác nhận theo từng năm tài chính phù hợp với năm xin xét miễn/ giảm.

Câu 5.    Thời gian nộp hồ sơ miễn giảm học phí và các bước thực hiện?

Tiền miễn giảm học phí được chi trả theo từng học kỳ qua tài khoản sinh viên. HSSV thuộc đối tượng được miễn, giảm học phí cần theo dõi thông báo của nhà trường (đăng trên trang online.tdc.edu.vn hoặc trang facebook “TDC – Phòng Công tác Chính trị – HSSV”) để nộp hồ sơ đủ thủ tục và đúng thời hạn.

  • Thời gian nộp hồ sơ: từ tuần lễ thứ 4 đến tuần lễ thứ 8 của mỗi học kỳ (tháng 9-10 của học kỳ 1 và tháng 2-3 của học kỳ 2).
  • Các bước thực hiện:
  • Bước 1: Theo dõi thông báo để nộp hồ sơ đúng thời hạn, đủ hồ sơ.
  • Bước 2: Theo dõi thông báo danh sách HSSV được miễn giảm học phí để kiểm tra thông tin cá nhân (họ tên, số CMND/CCCD, số tài khoản…).
  • Bước 3: Theo dõi thông báo chuyển tiền qua tài khoản thẻ ATM (thẻ liên kết sinh viên của ngân hàng Đông Á).

Câu 6.    Các trường hợp không được hưởng ưu đãi miễn giảm học phí?

  • Không áp dụng chế độ ưu đãi về miễn, giảm học phí đối với học sinh, sinh viên, học viên trong trường hợp đã hưởng chế độ này tại một cơ sở giáo dục nghề nghiệp hoặc cơ sở giáo dục đại học, nay tiếp tục học thêm ở một cơ sở giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học khác cùng cấp học và trình độ đào tạo (tại khoản 8 điều 9 TT số 09/2016).
  • Thời gian học sinh, sinh viên bị kỷ luật ngừng học hoặc buộc thôi học, học lưu ban, học lại, học bổ sung thì sẽ không được cấp bù tiền miễn, giảm học phí (điểm c khoản 1 điều 5 TT số 09/2016).

Câu 7.    HSSV thuộc đối tượng MGHP theo quy định tại TT 09/2016 mà cùng lúc cũng thuộc đối tượng được hưởng nhiều chính sách hỗ trợ có cùng tính chất, thì như thế nào?

Các đối tượng thuộc diện được miễn giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập theo quy định tại Thông tư này mà cùng lúc được hưởng nhiều chính sách hỗ trợ cùng lúc tính chất thì chỉ được hưởng một chế độ ưu đãi cao nhất (khoản 6 điều 9 TT số 09/2016).

Câu 8.    HSSV thuộc diện MGHP nếu đồng thời học ở nhiều cơ sở giáo dục hoặc nhiều khoa, nhiều ngành trong cùng một trường thì được hưởng chế độ MGHP như thế nào?

HSSV thuộc diện miễn, giảm học phí nếu đồng thời học ở nhiều cơ sở giáo dục hoặc nhiều khoa, nhiều ngành trong cùng một trường thì được hưởng một chế độ ưu đãi (khoản 7 điều 9 TT số 09/2016).

MIỄN, GIẢM HỌC PHÍ